Skip to main content

Bình Long: Hội nghị triển khai Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp

  Ngày 26/12/2024, UBND xã Bình Long phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Phú tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp trên địa bàn xã Bình Long năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Hội nghị được tổ chức tại 02 tiểu vùng có thực hiện 02 mô hình điểm: Tiểu vùng 195 hecta, ấp Bình Châu (Kênh 7 – Kênh 8 – Kênh 10 – Kênh Quốc Gia) và tiểu vùng 515 hecta, ấp Bình Thuận (Kênh Đê – Kênh 2 – Kênh Quốc Gia – Cây Dương), với trên 60 nông dân tham dự. 

  Tại hội nghị, bà con nông dân đã được đại diện UBND xã, Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện chia sẻ, hướng dẫn một số kiến thức liên quan đến quy trình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Khuyến khích bà con nông dân tham gia Đề án một triệu hecta thực hiện đúng các kỹ thuật canh tác từ khâu làm đất, chuẩn bị giống, gieo sạ, quản lý nước, bón phân,…; đặc biệt là thực hiện đúng quy trình canh tác bền vững như: 

- Lượng lúa giống gieo sạ: 80 - 100 kg/ha.

- Lượng phân bón hoá học: giảm 20%.

- Lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học: giảm 20%.

- Lượng nước tưới – áp dụng kỹ thuật “tưới ướt khô xen kẽ”: giảm 20% so với canh tác truyền thống.

- 70% rơm được xử lý đúng kỹ thuật chống phát thải khí nhà kính hoặc được thu gom khỏi đồng ruộng để chế biến tái sử dụng.

- 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững (Sustainable Rice Platform - SRP), các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.

- Tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 50% diện tích.

- Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%.

- Giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.

- Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40%.

  Qua thảo luận, trao đổi ý kiến, đại diện UBND xã và các Trạm đã giúp bà con nông dân hiểu rõ thêm một số nội dung trọng tâm của đề án, cụ thể như: giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng năng suất, chất lượng và lợi nhuận cho bà con nông dân, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững; từ đó tiếp tục mở rộng các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh trên toàn địa bàn xã, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

                                                                                                                                                             Nguyễn Kim