Khởi nghiệp thành công với mô hình sản xuất máy móc, dụng cụ sản xuất nông nghiệp
Nối nghiệp từ ông bà đời trước để lại; tính đến nay, ở cái tuổi trên ngũ tuần, vợ chồng bà La Thị Mỹ Tiên và ông Ôn Ngọc Phước, ngụ ở ấp Chánh Hưng, xã Bình Long đã có bề dày hơn 12 năm trong nghề và có nhiều kinh nghiệm trong từng khâu sản xuất, lắp rắp các dụng cụ, máy móc phụ vụ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là những dụng cụ, máy móc thiết bị liên quan đến sản xuất lúa. Từ việc khởi nghiệp bước đầu thành công, đã giúp gia đình ông, bà nâng cao thu nhập và tạo được nhiều công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Theo lời ông Phước chia sẻ: thì cả 07 anh em của ông đều kinh doanh cơ sở sản xuất phương tiện, máy móc, dụng cụ trong nông nghiệp, mỗi người đều tự làm chủ cơ sở của mình và cung cấp đơn hàng cho hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Hiện tại, riêng gia đình ông cũng đã thành lập được 01 cơ sở sản xuất với qui mô lớn, sản xuất với đủ các loại các máy móc, thiết bị phục vụ nhu cầu của bà con nông dân trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như: cần phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, máy bơm, dàn sắt xi, len, xe rùa,… Tính đến nay, nhiều sản phẩm phương tiện, máy móc thiết bị do cơ sở gia đình ông, bà sản xuất đã được nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước biết đến, tiếp cận, đảm bảo được uy tín và được các đơn vị đặt hàng thường xuyên với số lượng tăng mạnh và ổn định, cụ thể một số tỉnh, thành phố như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang v.v…. Mỗi tháng, trung bình gia đình ông thường vận chuyển từ 04 – 05 đơn đặt hàng cho các đơn vị gần-xa, ước lợi nhuận thu về khoảng từ 40 – 50 triệu đồng/tháng.
Để mở rộng qui mô sản xuất, trên tinh thần đồng hành với sự phát triển của cơ sở doanh nghiệp; mới đây, từ nguồn vốn khởi nghiệp của Ngân hàng chính sách và xã hội huyện, Hội liên hiệp phụ nữ xã Bình Long đã tạo điều kiện, xét hỗ trợ cho gia đình bà La Thị Mỹ Tiên, là hội viên hội phụ nữ của xã được vay với nguồn vốn khoảng 80 triệu đồng. Từ nguồn vốn trên, gia đình đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền máy móc sản xuất cơ khí, đưa công nghệ vào sản xuất, hỗ trợ cho co sở mua sắm thiết bị máy móc hiện đại vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng.
Hiện tại, gia đình ông Phước, bà Tiên không chỉ vươn lên làm giàu chính đáng, mà cơ sở của gia đình còn góp tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động nhàn rỗi tại chỗ ở địa phương, với mức thu nhập ổn định. Có mặt tại cơ sở của gia đình, qua trao đổi với một số anh, em lao động tại đây, cho biết: Hiện, mỗi nhân công lao động làm việc tại cơ sở, được thuê làm việc tính tiền công theo ngày là 170 nghìn. So với việc phải bỏ quê đi làm ăn xa, trong khi hiện nay, các công ty xí nghiệp ở thành phố khi xin vào làm việc cũng rất khó khăn, thì công việc này đã giúp cho anh, em lao động có được 01 công việc, vừa được gần nhà, lại có nguồn thu nhập khá ổn định, cơ bản có thể lo được chi phí trang trải cuộc sống trong gia đình.
Mặc dù, cơ sở chỉ mới chính thức đi vào hoạt động một thời gian, từ thực tế có thể khẳng định, gia đình bà La Thị Mỹ Tiên và ông Ôn Ngọc Phước đã thực sự chọn được hướng đi đúng đắn, đảm bảo cho sự phát triển về lâu về dài của gia đình.
Trong đó, vấn đề đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp là xu hướng tất yếu hiện nay, đã và đang được các ngành, các cấp và nông dân đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm tổn thất sau thu hoạch. Tuy nhiên, để tăng tỷ lệ cơ giới trong nông nghiệp, ngoài chính sách thúc đẩy cơ giới hóa, rất cần sự quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ về mọi mặt cho nông dân, doanh nghiệp từ đầu tư sản xuất cho đến việc sử dụng máy nông nghiệp. Có làm được như vậy, hướng tới, mới có thể khuyến khích và tạo được động lực mạnh mẽ cho những “kỹ sư chân đất” như ông Ôn Ngọc Phước tiếp tục tham gia chế tạo những chiếc máy chuyên dùng với tính năng tiện ích, phù hợp với túi tiền và trình độ sử dụng của nông dân Việt Nam hiện nay.
Nguyễn Kim